Bệnh tiểu đường (hay còn được gọi là đái tháo thường) không còn là căn bệnh xa lạ với nhiều người mà đang dần trở thành căn bệnh phổ biến với tỷ lệ người mắc bệnh ngày một gia tăng. Cũng chính vì thế mà các phương pháp điều trị, cải thiện bệnh tiểu đường cũng được mọi người, đặc biệt là người bệnh tiểu đường quan tâm hơn bao giờ hết. Trong vài năm trở lại đây, có rất nhiều người truyền tai nhau rằng dây thìa canh có thể chữa bệnh tiểu đường, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Tuy nhiên thực hư việc sử dụng dây thìa canh chữa bệnh tiểu đường có hiệu quả như lời đồn và có đảm bảo an toàn cho sức khỏe hay không vẫn còn là thắc mắc cần tìm lời đáp của nhiều người.
Dây thìa canh là gì?
Dây thìa canh là (hay còn được gọi với tên khác như: dây muôi, lõa ti rừng), tên khoa học là Gymnema sylvestre, là một loài cây thân thảo thuộc chi Lõa ti (Gymnema) họ Apocynaceae, sinh trưởng trong những khu rừng nhiệt đới ở miền nam và miền trung Ấn Độ. Dây thìa canh là loại cây sống lâu năm, thân nhỏ dạng dây nhưng không có tua cuốn và thường sống thành từng bụi.
Cây dây thìa canh được phát hiện ở Việt Nam vào năm 2006 bởi Ts. Trần Văn Ơn (trưởng bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội). Ban đầu, cây thìa canh được tìm thấy tại một số địa phương miền Bắc như Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hoá. Hiện nay, cây thìa canh đã được quy hoạch trồng thành vùng tại Nam Định và Thái Nguyên.
Dây thìa canh có tác dụng gì?
Dây thìa canh chữa bệnh tiểu đường
Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, dây thìa canh có tác dụng gián tiếp lên sự tiết insulin của tụy tạng, hạn chế thoái giáng Glycogen ở gan, làm giảm glucose-niệu đồng thời làm mất vị ngọt của đường và vị đắng của thuốc đắng trong một vài giờ sử dụng, từ đó giúp giảm đường huyết và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Cơ chế tác dụng của dây thìa canh đối với bệnh tiểu đường: thành phần hóa học có hoạt tính sinh học chính của dây thìa canh là hoạt chất GS4 gồm tổ hợp nhiều acid gymnemic, một hoạt chất thuộc nhóm saponin triterpenoid có tác dụng kích thích sản sinh tế bào Beta của tuyến tụy, từ đó tăng sản sinh Insulin, tăng hoạt lực của Insulin, giúp cơ thể tái thiết lập được khả năng cân bằng, ổn định đường huyết tự nhiên. Sở hữu cấu trúc phân tử gần giống với đường glucose, acid gymnemic được đánh giá có khả năng ức chế hấp thu đường ở ruột, khi vào đến ruột sẽ cạnh tranh với đường glucose, lấp đầy thụ thể ruột và ngăn ngừa hấp thu đường từ ruột vào máu. Bên cạnh đó, acid gymnemic còn có khả năng ức chế quá trình gan tân tạo glucose vào máu đồng thời thúc đẩy quá trình tiêu thụ đường tại các mô cơ, từ đó giúp giảm đường huyết hiệu quả.
Ngoài ra trong dây thìa canh còn chứa peptide Gumarin được chứng minh có khả năng lấp đầy thụ thể lưỡi khiến lưỡi không hấp thu được đường glucose đồng thời tác động vào vùng dưới đồi gây mất cảm giác đối với vị ngọt và vị đắng. Tuy nhiên tác dụng này lại nhanh chóng mất đi khi dây thìa canh được nấu chín hay phơi khô.
Một điểm đặc biệt cần lưu ý là theo kết quả nghiên cứu lâm sàng ở người bình thường, đường huyết không cao thì dây thìa canh không cho hiệu quả giảm đường huyết. Điều này có nghĩa là dây thìa canh chỉ có tác dụng giảm đường huyết đối với người bệnh tiểu đường.
Một số tác dụng khác của dây thìa canh
Ngoài tác dụng giảm đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, dây thìa canh còn được ghi nhận có khả năng làm giảm nồng độ LDL-cholesterol (cholesterol xấu), triglyceride trong máu, tăng HDL-cholesterol (cholesterol tốt), từ đó giúp giảm lipid máu toàn phần, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng xơ vữa mạch máu. Theo kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy, dây thìa canh cũng có tác dụng giảm huyết áp hiệu quả cho người bệnh cao huyết áp.
Đối tượng nên sử dụng dây thìa canh
+ Người bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường, có triệu chứng tăng đường huyết.
+ Người bệnh huyết áp cao
+ Người tăng cân, béo phì
Cách sử dụng dây thìa canh chữa bệnh tiểu đường
Nguyên liệu:
+ 50g dây thìa canh khô
+ 1 ấm đun hoặc 1 bình giữ nhiệt
Cách chế biến:
Bước 1: Rửa sạch dây thìa canh, cho vào ấm đun, đun sôi dây thìa canh với khoảng 1,5 lít nước.
Bước 2: Sau khi nước sôi, tiếp tục đun với ngọn lửa nhỏ trong khoảng 15 phút cho đến khi nước trong ấm cạn còn một nửa là được.
Bước 3: Uống nước dây thìa canh sau bữa ăn là thời điểm tốt nhất dành cho người bệnh tiểu đường, ngăn ngừa tình trạng gia tăng đường huyết sau ăn.
Nước dây thìa canh có hương thơm nhẹ nhàng, dễ uống, không gây cảm giác khó chịu cho người sử dụng, cũng không đắng như mướp đắng, người bệnh có thể duy trì uống mỗi ngày. Trong trường hợp không có điều kiện đun nấu, người bệnh có thể hãm dây thìa canh bằng bình giữ nhiệt tương tự như hãm trà, mỗi ngày hãm 2 lần, mỗi lần hãm khoảng 25g dây thìa canh là được.
Tác dụng phụ của dây thìa canh
Theo ghi nhận từ phía người bệnh tiểu đường, việc sử dụng dây thìa canh không đúng cách có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như sau:
+ Hoa mắt, váng đều: nguyên nhân do người bệnh sử dụng dây thìa canh quá liều lượng quy định dẫn đến tình trạng đường huyết trong cơ thể giảm đột ngột hoặc do người bệnh dùng dây thìa canh vào lúc đói.
+ Đầy bụng khó chịu: nguyên nhân do người bệnh sử dụng nước dây thìa canh để qua đêm. Nước dây thìa canh để qua đêm có thể bị thiu hỏng, biến chất khiến người sử dụng đầy bụng khó chịu.
Cẩn thận khi tìm chọn hoặc mua dây thìa canh
Dây thìa canh là loại cây có dây leo, rất dễ nhầm với một loại cây dây leo khác vì có tới 3000 giống cây có hình dáng giống với Dây thìa canh. Do đó Dây thìa canh thu hái từ tự nhiên có khả năng rất cao bị lẫn với các loại cây khác.
Khi tìm chọn hoặc mua Dây thìa canh, chọn đúng Dây thìa canh chuẩn bằng bằng cách nhai sống lá Dây thìa canh tươi, sau đó ăn một chút đồ ngọt, nếu chúng ta bị mất cảm giác với vị ngọt thì đó mới là Dây thìa canh chuẩn, bởi khi đó chất Peptide ‘Gurmarin’ trong lá Dây thìa canh tác động lên tế bài vị giác trên lưỡi, làm mất cảm giác ngọt trong vòng 2-4h.
Dây thìa canh đã được nghiên cứu chứng minh có tác dụng giảm đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, việc sử dụng dây thìa canh chữa tiểu đường không thể thay thế cho những phương pháp điều trị bệnh tiểu đường hiện nay (bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập, kiểm soát đường huyết, sử dụng thuốc đặc trị hoặc insulin) mà chỉ được sử dụng như một phần trong kế hoạch điều trị. Người bệnh tiểu đường không được tự ý sử dụng dây thìa canh để thay thế có các phương pháp điều trị khác mà tốt nhất nên tham khảo sự tư vấn của bác sĩ điều trị để liệu trình sử dụng phù hợp với tình trạng bệnh lý cũng như sức khỏe của bản thân, giúp quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả cao nhất.