Tại Lễ khánh thành công trình xây dựng “Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh” diễn ra vào chiều ngày 5/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam, một trong những sản phẩm quan trọng nhất về dược liệu và quốc bảo này cần gắn liền với quốc kế dân sinh.
Chiều ngày 5/9, tại thị trấn Đắk Tô, huyện ĐắkTô, tỉnh Kon Tum, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ khánh thành công trình xây dựng “Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh”. Đây là hạng mục đầu tiên thuộc dự án đầu tư “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh” được Bộ KH&CN đầu tư trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Kon Tum.
Đến dự Lễ khánh thành có sự hiển diện của ông Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị – Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ông Mai Tiến Dũng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Xuân Cường – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ông Đỗ Văn Chiến – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Ông Dương Văn Trang – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai; bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH &CN và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Kon Tum có: ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Ngọc Tuấn, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; bà Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đào Xuân Quý – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum và các đại biểu trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đại biểu các Ban xây dựng Đảng thuộc Tỉnh uỷ; đại biểu lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các tổ chức Đoàn thể, tổ chức Chính trị xã hội của tỉnh Kon Tum, đại diện các huyện và thành phố Kon Tum.
Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển Sâm Ngọc Linh là bước đi mới nhằm tập trung đẩy mạnh việc đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển cho sản phẩm quốc gia Sâm Ngọc Linh, một loại dược liệu quý và đặc hữu, chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh.
Mục đích xây dựng Trung tâm nhằm đầu tư cơ sở vật chất, tập trung các nhà khoa học, phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm Sâm Ngọc Linh, phục vụ nhu cầu sản xuất hàng hóa với các tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, nhằm khai thác thế mạnh về sản phẩm đặc hữu của địa phương cũng như của Việt Nam, hướng đến xây dựng và bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh. Đây cũng là bước đi mới trong đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương dựa trên tác động về KH&CN.
Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa Bộ KH&CN và Tỉnh ủy, UBND tỉnh KonTum trong việc triển khai Dự án tổng thể “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh” do Bộ KH&CN là chủ đầu tư.
Đây là Dự án có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với tỉnh Kon Tum, tỉnh Quảng Nam mà còn phù hợp với định hướng và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển sản phẩm quốc gia dựa trên KH&CN và phát triển thế mạnh của từng vùng miền, địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh là việc rất có ý nghĩa, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn.
Nhấn mạnh việc sản xuất thành công sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, Quảng Nam, Thủ tướng cho rằng, đây là cơ hội lớn để sâm Ngọc Linh chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Việc phát triển loại cây dược liệu quý này không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế, góp phần giải quyết vấn đề xã hội, tạo việc làm.
Thủ tướng đề nghị Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh làm rõ sâm Ngọc Linh là đặc hữu của Việt Nam, là loại sâm tốt nhất thế giới. Phải bảo vệ nguồn gene và phát triển nguồn sâm Ngọc Linh hiện nay tương xứng với thế mạnh tự nhiên và tiềm năng sẵn có của Quảng Nam, Kon Tum.
Việc nghiên cứu hướng vào phân biệt sâm giả, sâm thật, để xử lý nghiêm đối tượng làm giả sâm Ngọc Linh, ảnh hưởng đến thị trường, sức khỏe người dân và công nhận sản phẩm thật một cách nhanh chóng, thuận lợi. Điều quan trọng là nghiên cứu phát triển các sản phẩm chiết xuất từ sâm và làm rõ quy trình sản xuất giống. Khâu chăm sóc, thu hoạch và chế biến sâm phải được tiêu chuẩn hóa tốt hơn. Trung tâm cần kết nối nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Nhấn mạnh giá trị của sâm Ngọc Linh mà theo các nhà khoa học, không có loại sâm nào trên thế giới có được, Thủ tướng nêu rõ, đây là quốc bảo của Việt Nam, một trong những sản phẩm quan trọng nhất về dược liệu và quốc bảo này cần gắn liền với quốc kế dân sinh. Sâm Ngọc Linh cần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, tạo ra các giá trị chữa bệnh và các giá trị khác, để làm sao hàng triệu người có thể sử dụng sâm Ngọc Linh.
Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng triệt để chống sâm giả đội lốt sâm Ngọc Linh. Quảng Nam, Kon Tum, hai tỉnh nằm phía Nam và Bắc núi Ngọc Linh cần hợp tác trong việc phát triển sản phẩm này.
Tại sự kiện, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết: Việc triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển Sâm Ngọc Linh thể hiện kết quả và quyết tâm của Đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ KH&CN, của Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum trong triển khai thực hiện Nghị quyết 20 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đó là: “chú trọng ứng dụng KH&CN để khai thác có hiệu quả các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, nhất là khu vực nông thôn, miền núi…. hướng vào khai thác các lợi thế của vùng về các điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội, hình thành các sản phẩm chủ lực của mỗi vùng”.
Nhằm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, từ năm 2013, Bộ KH&CN đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án: “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu Quốc gia cho Sâm Ngọc Linh”. Và năm 2014, phê duyệt Dự án: “Đầu tư xây dựng Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển Sâm Ngọc Linh”.
Công trình “Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển Sâm Ngọc Linh” được khánh thành ngày hôm nay là hạng mục hoàn thành đầu tiên thuộc Dự án đầu tư “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh” được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Kon Tum.
Mặc dù chưa chính thức đi vào hoạt động, cơ quan chủ đầu tư đã chủ động tiến hành một số hoạt động nghiên cứu triển khai và đã đạt được các kết quả bước đầu đáng khích lệ như: đã xây dựng và tuyển tập được vườn giống hơn 4 vạn cây bố mẹ phục vụ cho công tác nghiên cứu triển khai; đã giải mã thành công và công bố bộ gen lục lạp của cây sâm ngọc linh và đã được đăng ký bảo hộ trên ngân hàng gen thế giới.
Đã nghiên cứu và xây dựng được bộ chỉ thị phân tử đặc hiệu kiểm định thật giả sâm ngọc linh, qui trình kiểm định đã được đăng ký giải pháp hữu ích của Cục Sở hữu trí tuệ….và từ đầu năm 2018, đơn vị này đã hỗ trợ UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam kiểm định thật giả Sâm Ngọc Linh tham gia Hội chợ sâm hàng tháng, bước đầu góp phần ngăn chặn nạn sâm giả lưu thông đang nhức nhối trên thị trường… điều đó cho thấy chủ đầu tư đã và đang từng bước khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng góp phần bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm và thương hiệu quốc gia.
Ngày 05/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, trong đó có sâm Ngọc Linh. Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương, từng ngành, lĩnh vực để chú trọng phát triển.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung đầu tư các nguồn lực, có chính sách ưu đãi thu hút các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, áp dụng cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu về sâm Ngọc Linh cho Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển Sâm Ngọc Linh.