Trong vài chục năm gần đây, vấn đề tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng y học cổ truyền (YHCT) nói chung và đông dược nói riêng trong việc phòng chống căn bệnh ung thư ngày càng thu hút được sự quan tâm của y giới và toàn xã hội. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, sự hiểu biết của không ít người về vấn đề này còn khá hạn hẹp. Dưới đây, chúng tôi xin được bàn đến một số nội dung cơ bản về vấn đề này.

1. Khái niệm ung thư trong y học cổ truyền

Ung thư, hiểu theo nghĩa của danh từ Cancer, Carcinoma, không phải là căn bệnh của riêng thời hiện đại mà từ xa xưa nó đã từng xuất hiện trong xã hội loài người. Nói như vậy để khẳng định: nền YHCT trên thế giới nói chung và đông y dược nói riêng đã từng nghiên cứu và sử dụng nhiều biện pháp để phòng chống căn bệnh này. Trong YHCT phương đông, bệnh danh Ung thư đã có từ rất lâu đời nhưng bản chất nó được dùng để chỉ các loại mụn nhọt nói chung và sau này còn được dùng để chỉ một số bệnh lý khác như lao hạch, lao xương khớp, viêm tắc động mạch. Còn thực chất căn bệnh mà ngày nay y học hiện đại gọi là Ung thư (mượn danh từ Ung thư theo âm Hán Việt của đông y để dịch các từ Cancer, Carcinoma) lại thuộc vào phạm vi các chứng Nham, chứng Thũng lựu của YHCT.

2. Nguyên tắc phòng chống ung thư bằng đông dược

Nguyên tắc chung là phải chỉnh thể và tam nhân chế nghi, nghĩa là phải toàn diện, tùy người mà dùng (nhân nhân chế nghi), tùy lúc mà dùng (nhân thời chế nghi) và tùy nơi, tùy điều kiện cụ thể mà dùng (nhân địa chế nghi). Toàn diện là: phải kết hợp giữa điều trị tại chỗ và toàn thân (đa cầu duy hiệp), giữa nâng cao sức đề kháng của cơ thể với tác động trực tiếp vào các nhân tố gây bệnh (phù chính và công tà), giữa dùng thuốc uống trong và xông, xoa, bôi, đắp…bên ngoài, giữa trị liệu theo bệnh danh (tên bệnh) và bệnh cơ (cơ chế bệnh sinh, gọi là biện chứng luận trị), giữa trị liệu căn nguyên (trị bản) và trị liệu triệu chứng (trị tiêu)…

3. Những biện pháp cơ bản phòng chống ung thư bằng đông dược

Có 4 biện pháp lớn là: phù chính bồi bản, khứ tà kháng ung, phù chính khứ tà và đối chứng trị liệu.

* Phù chính bồi bản: Theo đông y, ung thư là một bệnh mạn tính, đa phần thuộc hư chứng, đặc biệt là khi phải sử dụng đến các biện pháp như phẫu thuật, hóa trị liệu, xạ trị liệu…Vậy nên, trước hết và nhất thiết phải phù chính bồi bản, có nghĩa là phải chú ý nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng một số biện pháp trọng yếu tùy theo tình trạng bệnh lý cụ thể như bổ ích khí huyết, ích khí kiện tỳ, dưỡng âm sinh tân, tư âm bổ huyết, ôn thận tráng dương, kiện tỳ bổ thận…Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, các biện pháp này có tác dụng: nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể, cải thiện công năng tạo huyết của tủy xương, thúc đẩy quá trình chuyển hóa các chất, điều hòa hệ thống nội tiết, tăng cường tác dụng của thuốc kháng ung, giảm thiểu tác dụng không mong muốn của hóa xạ trị liệu…

* Khứ tà kháng ung: Theo đông y, ung thư tuyệt đại đa số là có biểu hiện “bản hư tiêu thực”, có nghĩa là sức đề kháng thì suy nhược trong khi các nhân tố bệnh lý thì đang phát huy mạnh mẽ sức tàn phá. “Tà” ở đây được hiểu là các nguyên nhân gây bệnh, các tế bào ung thư và các rối loạn bệnh lý toàn thân hoặc tại chỗ do chúng gây nên. Bởi vậy, trong trị liệu, không những phải phù chính bồi bản mà còn phải chú ý khứ tà kháng ung, có nghĩa là phải tác động trực tiếp vào các nhân tố gây bệnh bằng nhiều biện pháp như: thanh nhiệt giải độc, hóa đàm trừ thấp, công hạ trục thủy, nhuyễn kiên tán kết, tiêu thũng chỉ thống, sơ can lý khí, hoạt huyết hóa ứ…Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, các biện pháp này có tác dụng trực tiếp tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, làm giảm các triệu chứng như giảm đau, chống viêm, kháng khuẩn, hạ sốt, giải độc, chống phù nề, cầm máu, chống ngưng tập tiểu cầu, ngăn ngừa di căn…

* Phù chính khứ tà: Thực chất đây là biện pháp mang tính kết hợp giữa hai biện pháp đã nêu ở trên nhưng đặt ra để nhấn mạnh sự phối hợp linh hoạt và biện chứng giữa chúng. Phù chính là để tăng cường thể chất, nâng cao năng lực chống đỡ bệnh tật của cơ thể, từ đó mà góp phần tiêu trừ bệnh tà. Khứ tà là sử dụng các biện pháp tác động trực tiếp vào nguyên nhân gây bệnh, phòng ngừa và xử lý các biến chứng, ngăn chặn quá trình phát triển của bệnh, giúp cho cơ thể dần dần phục hồi sức đề kháng. Phù chính khứ tà là căn cứ vào thực tế tranh đấu giữa “chính” và “tà”, vào tình hình biến hóa thịnh suy của quá trình bệnh lý khách quan mà phân rõ tiêu (ngọn) và bản (gốc), hư và thực, chủ và thứ, trước và sau…để từ đó vận dụng các biện pháp trị liệu cho phù hợp. Nhìn chung, ung thư giai đoạn đầu thường lấy khứ tà làm chủ, phù chính là phụ; giai đoạn giữa kết hợp vừa khứ tà vừa phù chính (công bổ kiêm thi); giai đoạn muộn lấy phù chính là chủ, khứ tà là phụ.

* Đối chứng trị liệu: Trong quá trình phát triển của bệnh ung thư có thể xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau như: phát sốt, xuất huyết, đau nhức, suy nhược…Bởi vậy, bên cạnh việc tuân thủ nguyên tắc trị liệu cơ bản như đã nêu ở trên, giống như y học hiện đại, YHCT cũng sử dụng những biện pháp mang tính chất điều trị triệu chứng, có nghĩa là những bệnh lý ung thư do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng khi xuất hiện những triệu chứng giống nhau thì cách xử lý cũng tương tự nhau. Tuy nhiên, theo quan điểm của YHCT, ngay cả khi điều trị triệu chứng cũng cần phải phân biệt từng thể loại cụ thể để lựa chọn các vị thuốc, bài thuốc cho phù hợp. Ví như, cùng là triệu chứng phát sốt nhưng có thể do ngoại cảm tà nhiệt, do thấp nhiệt uất kết, do âm hư hỏa vượng…thì cách xử lý cũng không giống nhau.

4. Những phương thức cụ thể sử dụng đông dược trị liệu ung thư

Tùy theo đường dùng có thể chia thành 2 nhóm: uống trong và dùng ngoài (xông, xoa. bôi, đắp…). Hiện nay, bằng công nghệ hiện đại, đông dược trị liệu ung thư còn được sử dụng theo đường tiêm truyền. Tùy theo dạng bào chế có thể chia thành 2 nhóm: dạng cổ truyền như thuốc sắc, cao, đơn, hoàn, tán.. và dạng hiện đại như viên nang, viên nén, siro, trà tan, thuốc tiêm, dịch truyền…Tùy theo nguyên tắc trị liệu có thể chia ra 2 nhóm: theo biện chứng luận trị có thể dùng cổ phương hoặc tân phương mà gia giảm cho phù hợp với từng thể bệnh, giai đoạn bênh và theo biện bệnh luận trị có thể dùng tân phương, kinh nghiệm dân gian hoặc các chế phẩm được bào chế theo lối cổ truyền hay hiện đại cho tất cả các thể bệnh khác nhau. Tùy theo lý luận chỉ đạo có thể chia ra 2 nhóm: dùng hỗn hợp rất nhiều chất có trong một hay nhiều dược liệu mang tính tổng thể theo quan niệm của y dược học cổ truyền hoặc dùng một hoặc vài hoạt chất đã được tinh chế, chiết xuất giống như tân dược theo quan niệm của của y dược học hiện đại (trên thực tế phương thức này không còn mang bản sắc của y học cổ truyền nữa).

5. Những vị thuốc có công dụng trị liệu ung thư

Ở Trung Quốc, khá nhiều vị thuốc đã được khảo sát nghiên cứu tác dụng trị liệu ung thư. Tùy theo công năng dược tính có thể phân ra 13 loại: tả hỏa kháng ung, thanh nhiệt kháng ung, lợi thấp kháng ung, hóa thấp kháng ung, tán hàn kháng ung, lý khí kháng ung, hoạt huyết khứ ứ kháng ung, hóa đàm kháng ung, tiêu thực kháng ung, ích khí kháng ung, bổ dương kháng ung, dưỡng huyết kháng ung, và dưỡng âm kháng ung. Cụ thể là các vị: nhóm tả hỏa kháng ung có đại thanh diệp, hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm, đại hoàng, long đởm thảo, chi tử, khổ sâm, sơn đậu căn, xạ can, huyền minh phấn, mật gấu, bạc đầu ông, tần bì, bạch tiên bì, xuyên tâm liên, hổ trượng; nhóm thanh nhiệt kháng ung có kim ngân hoa, liên kiều, thiên hoa phấn, đạm trúc diệp, hạ khô thảo, bồ công anh, tử hoa địa đinh, tử thảo, bán chi liên, thất diệp nhất chi hoa, ngư tinh thảo, bạch hoa xà thiệt thảo, xa tiền thảo, nhân trần cao, sài hồ, bản lam căn, ngưu hoàng, linh dương giác, trân châu; nhóm lợi thấp có bạch linh, trư linh, cù mạch, thổ phục linh, trạch tả, lô căn, thông thảo, bạch mao căn, kim tiền thảo, tỳ giải, biển sức, mộc thông, đông lăng tử, ý dĩ nhân; nhóm hóa thấp kháng ung có trạch lan, hoắc hương, khương hoạt, độc hoạt, hậu phác, mộc qua, tần cửu, thảo quả, sa nhân, thương truật; nhóm ôn trung tán hàn có phụ tử, can khương, nhục quế, ngô thù du, tế tân, bạch chỉ; nhóm lý khí kháng ung có thanh bì, trần bì, chỉ xác, mộc hương, hương phụ, xuyên luyện tử; nhóm hoạt huyết khứ ứ kháng ung có xuyên khung, hồng hoa, nhũ hương, diên hồ sách, khương hoàng, nga truật, một dược, tam thất, uất kim, tam lăng, đan sâm, ích mẫu thảo, đào nhân, thủy điệt, thổ miết trùng, ngũ linh chi, ngưu tất, xích thược, mẫu đan bì; nhóm hóa đàm kháng ung có bán hạ chế, thiên nam tinh, bạch giới tử, tử tô tử, cát cánh, tiền hồ, bạch tiền, qua lâu, triết bối mẫu, hải tảo, côn bố, hạnh nhân, bách bộ, tử uyển, khoản đông hoa, tang bạch bì; nhóm tiêu thực kháng ung có sơn tra, thần khúc, mạch nha, cốc nha, lai phục tử, kê nội kim; nhóm bổ khí kháng ung có nhân sâm, tây dương sâm, đẳng sâm, thái tử sâm, hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo, sơn dược, đại táo; nhóm bổ dương kháng ung có nhung hươu, ba kích thiên, nhục thung dung, đỗ trọng, bổ cốt chi, đông trùng hạ thảo, cáo giới; nhóm dưỡng huyết kháng ung có đương quy, bạch thược, thục địa, hà tủ ô, a giao, long nhãn, kỷ tử, hắc chi ma; nhóm dưỡng âm kháng ung có sa sâm, nam sa sâm, ngọc trúc, mạch môn, tang thần, bách hợp, huyền sâm, can thục địa, nữ trinh tử, quy bản, miết giáp.

Ngài ra còn có các vị như nấm linh chi, ngân nhĩ, nấm hương, thủy xương bồ, lô hội, tây đậu căn, hoàng dược tử, mật quạ, măng tre, tiên hạc thảo, dã ngải, tử thụ, khương đăng mộc, trường xuân hoa, tước mai đằng, thũng tiết phong, bạch anh, đại toán, tục tràng thảo, giảo cổ lam, thiềm thừ, ban miêu, bích trượng, ngô công, chướng lang, thach thượng bá, trư nha tạo, phấn hoa, diệp lục tố, tín ngôn, củ cải, cà rốt…cũng đã được khảo sát nghiên cứu và cho thấy có công dụng kháng ung thư ở các mức độ khác nhau.

6. Tình hình nghiên cứu đông dược trị liệu ung thư ở Việt Nam

Ở nước ta, việc tìm hiểu và nghiên cứu công dụng trị liệu ung thư của các dược liệu đã được đề cập từ khá lâu. Nhiều vị thuốc đã được khảo sát và kết luận như dừa cạn, thông đỏ, nấm lim xanh, xạ đen, Cây sói rừng, giảo cổ lam, tinh nghệ, hoàn ngọc, trinh nữ hoàng cung, sâu chít…Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, công việc này tỏ ra vẫn rời rạc, thiếu phương hướng chỉ đạo chung, tính hiệu quả chưa cao, chưa chú ý đến việc giữ gìn bản sắc của y học cổ truyền, thậm chí một số công trình còn chưa đảm bảo tính chuẩn xác và khoa học mặc dù tiềm năng dược liệu có công dụng kháng ung của chúng ta là hết sức phong phú. Đó là chưa kể đến việc nghiên cứu công dụng kháng ung của nhiều bài thuốc cổ phương, tân phương và các bài thuốc gia truyền hầu như vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Một công trình nghiên cứu do các nhà khoa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh) và các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện đã chứng minh được rằng cây thuốc Việt Nam hoàn toàn có khả năng ức chế tế bào ung thư…

Theo TS Trần Lê Quan, khi tiến hành nghiên cứu cây thuốc Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã chọn thu thập những mẫu cây thuốc được sử dụng trong dân gian làm thuốc bổ, trị những bệnh viêm nhiễm…ở khu vực Bảy Núi (tỉnh An Giang) và tỉnh Lâm Đồng. Từ 77 cây thuốc Việt Nam được thu thập để nghiên cứu, nhóm đã điều chế được 231 loại dịch chiết và cao, sau đó thử nghiệm để tìm giá trị đích thực của từng loại. Bước đầu là tiến hành thử nghiệm hoạt tính ức chế tế bào ung thư trên dòng tế bào ung thư biểu mô liên kết di căn của người mang ký hiệu HT-1080. Nhưng chưa dừng lại, để xác định tính chọn lọc, các dịch trích lại được tiếp tục thử nghiệm với năm dòng tế bào khác: tế bào ung thư cổ tử cung người mang tên Hela, tế bào ung thư phổi người A549, tế bào ung thư ruột kết chuột 26-L5, tế bào ung thư phổi chuột Lewis LLC và tế bào ung thư da chuột B16-BL6. Kết quả cho thấy những cây thuốc như: tô mộc, dừa cạn, bá bệnh, bí kỳ nam, hà thủ ô trắng, hoàng đằng…đều có hoạt tính ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, cao của rễ cây hà thủ ô trắng thể hiện hoạt tính mạnh đối với các dòng tế bào ung thư người. Một điều thú vị nữa là từ trước đến nay, người ta biết đến hoàng đằng và berberin được dùng chủ yếu để trị những bệnh tiêu hóa như kiết lỵ, tiêu chảy…, nhưng giờ đây người ta lại biết đến berberin, thành phần chính của cây hoàng đằng, có khả năng ức chế sự di căn ung thư của tế bào mang tên LLC. Nhóm nghiên cứu khẳng định lần đầu tiên họ đã thử nghiệm thành công và chứng minh được năm loại cao (dịch chiết) của bảy loài cây có khả năng ức chế tế bào ung thư. Đó là bá bệnh, bí kỳ nam, dừa cạn, hà thủ ô trắng (có ở vùng Bảy Núi và Lâm Đồng), hoàng đằng, tô mộc. Những minh chứng khoa học này đã đặt nền móng và mang đến những tia hi vọng mới cho những người mắc phải căn bệnh ung thư hiện nay.

Sau khi liệt kê 54 vị thuốc có tác dụng trị liệu ung thư có mặt ở nước ta trong danh sách các dược liệu kháng ung mà Trung Quốc đã công bố, trong một bài báo của mình GS. TS. Nguyễn Lân Dũng đã khuyến cáo: “Trong khi chờ đợi các nghiên cứu ở nước ta, bà con nên chú ý bảo vệ các cây nói trên nếu tìm thấy, đừng bán cho khách nước ngoài và cố gắng trồng thêm cho nhiều để bán cho các cơ sở nghiên cứu và sản xuất dược liệu”. Nhưng, chờ đến bao giờ và cơ chế nào để hướng dẫn và bảo hộ cho người dân tham gia vào công cuộc này thì vẫn là một vấn đề chưa có lời giải đáp mang tính thực tế và thuyết phục.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *