Hoàng đằng là cây thuốc quý của Việt Nam, từng được Thiền sư Tuệ Tĩnh sử dụng chữa đau mắt đỏ trong tác phẩm Nam dược thần hiệu. Vị thuốc này được ghi lần đầu trong sách Bản thảo đồ kinh, khắc in năm 1061tại Trung Quốc.
Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện Dược liệu, 2004), nước ta có hai loài Hoàng đằng. Thực tế điều tra tại Đà Nẵng, chúng tôi cũng đã gặp cả hai loài này phân bố rải rác trong các khu bảo tồn thiên nhiên Bà nà- Núi Chúa, Hải Vân, Sơn Trà. Đó là:
1. Fibraurea recisa Pierre: Thường gặp nhiều ở các tỉnh phía Nam, là dây leo to, rất dài, có thể vươn tới ngọn cây lớn. Rễ và thân già có vỏ ngoài nứt nẻ và gỗ màu vàng. Thân non nhẵn, màu lục. Lá mọc so le, hình trái xoan hoặc thuôn mũi mác, cụm hoa mọc ở kẻ những lá đã rụng thành chùm phân nhiều nhánh, thường ngắn hơn lá; hoa nhỏ màu vàng lục, quả hình trái xoan, khi chín màu vàng, chứa một hạt dày, hơi dẹt…
2. Fibraurea tinctoria Lour., có vùng phân bố rải rác cả các tỉnh miền Bắc và miền Nam. Khác loài trên ở chỗ lá có mũi nhọn rõ. Cụm hoa ngắn hơn, ít phân nhánh… Mùa hoa quả cả hai loài: tháng 3-7.
Trong những năm 1960-1990, cây mới được khai thác một cách hạn chế để làm thuốc trong phạm vi y học cổ truyền. Nhưng từ năm 1994, cây bị khai thác ồ ạt lấy nguyên liệu chiết xuất palmatin hoặc bán qua biên giới hàng trăm tấn mỗi năm, ở tất cả những vùng rừng qua khai thác, hiện nay không còn cây gieo giống tự nhiên. Giống tình trạng cây Vàng đắng (để chiết xuất berberin), Hoàng đằng đã được đưa vào Sách đỏ Việt nam với tình trạng sẽ nguy cấp, mức độ đe dọa bậc V và đề nghị cấm phá rừng của khu phân bố loài này và có kế hoạch khai thác luân chuyển để cây kịp tái sinh.
Theo Đông y, Hoàng đằng có vị đắng, tính hàn, vào 2 kinh tâm và can, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, lợi thấp, thông tiện. Hoàng đằng được dùng làm thuốc bổ đắng, chữa các chứng viêm tấy, kiết lỵ, tiêu chảy, sốt rét, bệnh về gan, nóng trong, lở ngứa ngoài da, mắt đỏ có màng, viêm tai chảy mũ. Liều dùng hàng ngày 6-12g sắc nước uống và nấu nước rửa ngoài. Còn dùng dưới dạng bột, viên hay dung dịch nhỏ mắt.
Theo Trung Hoa bản thảo, Hoàng đằng dùng chủ trị viêm yết hầu, quai bị, viêm đường hô hấp trên, viêm kết mạc, viêm gan vàng da, viêm dạ dày – ruột, kiết lỵ, trẻ em tiêu hóa kém, ngộ độc thực phẩm, viêm vòi trứng, viêm nội mạc tử cung cấp tính, viêm xoang bồn (khung chậu), viêm âm đạo, mụt nhọt, bỏng lửa…
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, trong Hoàng đằng có thành phần alcaloid mà hoạt chất chính là palmatin có từ 1- 3,5% và một ít jatrorrhizin, columbamin và berberin. Palmatin chiết xuất từ Hoàng đằng có tác dụng kháng khuẩn, chữa đau mắt, tiêu chảy, kiết lỵ, viêm âm đạo do nấm. Tetrahydropalmatin clorua được chế từ palmatin là thuốc an thần giảm đau.
Bài thuốc có Hoàng đằng:
1. Chữa viêm đường tiết niệu, viêm gam virus, viêm âm đạo, bạch đới, viêm tai trong và hội chứng lỵ: Hoàng đằng, Mộc thông, Huyết dụ, mỗi vị 10-12g, sắc uống.
2. Viêm tai có mủ: Bột Hoàng đằng 20g trộn với bột Phèn chua 10g, thổi dần vào tai ngày 2-3 lần.
3. Chữa đau mắt đỏ có màng: Hoàng đằng 4g, Phèn chua 2g, tán nhỏ, chưng cách thuỷ gạn lấy nước trong mà nhỏ mắt, ngày 2 lần. Có khi người ta phối hợp Hoàng đằng với Hoàng liên nấu thành thuốc chữa đau mắt.
4. Chữa kiết lỵ: Uống 6g bột Hoàng đằng và 1g cao Mức hoa trắng, ngày 2 lần; hoặc phối hợp cao Hoàng đằng và cao Cỏ sữa lá lớn làm thuốc viên chữa kiết lỵ (viên 0,3g, tương đương 1g hoàng đằng khô và 0,5g cỏ sữa khô), người lớn uống 6-8 viên, chia 2 lần (phụ nữ có thai không dùng).
5.Viêm gan truyền nhiễm: Hoàng đằng 30-60g, Chua me đất lá to 20g. Hầm với xương heo hay thịt gà ăn.
6. Dự phòng dịch viêm màng não: Hoàng đằng 1 kg, nấu với 5 lít nước cho sôi khoảng nửa giờ, uống mỗi lần 3 muỗng canh, ngày 2 lần, có thẻ nhỏ dung dịch này vào mũi và hầu họng.
7. Phòng trị viêm hóa mủ các vết thương: Hoàng đằng 0,5 kg, nấu với 5 lít nước, sôi khoảng 15 phút, để lắng lọc lấy nước rửa vết thương.