Cây thuốc thượng có vị đắng, có tác dụng hoạt huyết, giảm đau, tiêu viêm, kháng khuẩn, sát trùng, có thể hạ đường huyết; chủ trị viêm loét dạ dày, nhiễm trùng đường ruột, co thắt đại tràng, hen phế quản, bệnh phụ khoa (khí hư, viêm loét sinh dục, thống kinh), đau mắt đỏ…

Cây thuốc thượng là một loài cây thuốc quý hiếm, mới gặp ở vài địa phương Trung bộ, đang bị khai thác thường xuyên, nên đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, cần được nghiên cứu và bảo tồn.

Theo TỪ ĐIỂN CÂY THUỐC VIỆT NAM, cây Thuốc thượng còn có tên Thuốc mọi, Da xà lắc, Thuốc dấu cà doong, tên khoa học là Phaeanthus vietnamensis Ban, thuộc họ Na – Annonaceae.

Đây là loài cây gỗ nhỏ hoặc cây bụi, cao 2-10m, mới thấy ở Trung Bộ Việt Nam: Thừa Thiên – Huế (Phú Lộc), Quảng Nam (Đại Lộc, Quế Sơn, Núi Thành, Duy Xuyên, Tiên Phước, Phước Sơn, Đông Giang). Dân gian dùng lá non hấp chín trên nồi cơm, lấy nước nhỏ mắt chữa đau mắt đỏ. Vỏ rễ, vỏ thân và lá đem nấu cao dán chỗ mụn nhọt sưng tấy. Còn được dùng chữa bệnh đường ruột (tiêu chảy). Cao đặc nấu từ lá, chế thành viên nén dùng chữa bệnh ỉa phân trắng ở lợn con rất tốt.

Ngoài một số dẫn liệu do TS. Võ Văn Chi cũng như Sách Đỏ Việt Nam ghi nhận ban đầu như trên, chúng tôi đã để ý truy tìm từ nhiều năm nay nhưng chưa thấy có tài liệu nào nghiên cứu khoa học sâu hơn về loài cây thuốc này. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian mà bước đầu sưu tầm, kế thừa ứng dụng và phát huy phát triển, chúng tôi nhận thấy đây là cây thuốc đặc biệt quý hiếm, có nhiều tác dụng điều trị rất đặc hiệu, có phổ ứng dụng cao đối với nhiều loại bệnh. Dưới đây là một số ví dụ.

Theo kinh nghiệm gia truyền của L.Y Đặng Xuân Quang (hiện ở Cẩm Lệ, quê gốc Quế Sơn) cao cây thuốc thượng ngoài việc pha loãng trị đỏ mắt dịch rất hay, có thể uống trong trị các loại đau bụng, kể cả thống kinh, đặc biệt ngậm nuốt dần cao này cắt được cơn hen suyễn (uống nuốt 1 lần không hiệu nghiệm). DS.Trương Thị Ngọc Liên, nguyên Phó phòng Quản lý dược Sở Y tế thành phố  Đà Nẵng cũng tái xác nhận với tôi về kinh nghiệm của một thầy thuốc ở quê chị đã dùng cao lá thuốc thượng điều trị đau mắt đỏ rất hiệu quả, bản thân chị lúc nhỏ cũng đã được điều trị bằng thuốc đó.

Cây Thuốc Thượng Cần Được Nghiên Cứu Và Bảo Tồn

Theo điều tra của chúng tôi, tại An Ngải – Hòa Sơn – Đà Nẵng trước đây có bà lang y chuyên nấu cao lá cây thuốc thượng với cây găng voi điều trị viêm khớp, sưng nóng đỏ đau. Một số bà con ở Quế Sơn, Đại Lộc và huyện Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang) dùng nước sắc lá cây này vừa uống trong vừa ngâm rửa ngoài điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa rất hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đã sử dụng trên bản thân, người nhà cùng hàng chục người bệnh khác tại Trung tâm Thừa kế ứng dụng y học cổ truyền Tuệ Tĩnh, nước hãm lá cây thuốc thượng (5g trong 200ml nước sôi), chia uống 3-4 lần, có thể cắt các cơn đau dạ dày, đường ruột, đau bụng nội khoa không rõ nguyên nhân…, chỉ sau một vài phút uống thuốc là thấy hiệu quả ngay. Một số trường hợp bệnh lý khối u chèn ép gây đau, hoặc đau thắt ruột và cơ bụng trong hội chứng cai nghiện ma túy được tôi cho dùng dạng thuốc cao nấu từ lá và cành nhỏ, cũng thấy hiệu quả giảm đau tương tự.

Từ kinh nghiệm trên bản thân mỗi lần dùng nước hãm lá cây thuốc thượng uống vào buổi tối (thay trà, tránh mất ngủ), thường thấy nhanh đói bụng, có khi thấy đói quay quắt, phải tìm thức ăn vặt mới đi ngủ được, chúng tôi đã ứng dụng cho một số người bệnh tiểu đường dùng thử, kết quả nhiều người báo lại khi kiểm tra chỉ số đường huyết đã giảm rõ rệt so với trước đó.

Có một “phát hiện” thú vị, một lần tình cờ để ấm nước hãm cây thuốc thượng hơn ba tuần trong điều kiện tự nhiên của ngày hè nắng nóng, mà đem ra uống vẫn được, không hề thấy ôi thiu. Chứng tỏ vị thuốc thượng có tính kháng khuẩn đặc biệt mạnh. Kết hợp kinh nghiệm dân gian, chúng tôi dùng cao thuốc thượng hoặc nước sắc đặc dùng rửa đắp ngoài, thấy các vết thương lành khá nhanh trong một số bệnh lở loét, viêm nhiễm phụ khoa, ngoại khoa, kể cả trĩ ngoại,…

Thêm một phát hiện nữa, mặc dù tài liệu TS.Võ Văn Chi nói cây thuốc thượng mới thấy ở một số huyện ở Quảng Nam và huyện Phú Lộc của Thừa Thiên-Huế, nhưng theo điều tra của chúng tôi, cây thuốc này cũng có mặt tại một số vùng ở chân núi Bà Nà của thành phố Đà Nẵng.

Hiện nay cây Cây thuốc thượng đang có nguy cơ tuyệt chủng do đất rừng ngày càng bị thu hẹp hoặc phát quang để trồng các loài cây gỗ công nghiệp. Rất mong chính quyền và ngành y tế của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cần gấp rút xây dựng kế hoạch khoanh vùng nghiên cứu bảo tồn loài cây thuốc quý hiếm này bên cạnh các nghiên cứu khoa học về thành phần, dược lý, ứng dụng lâm sàng để kế thừa, phát huy các kinh nghiệm dùng thuốc Nam quý báu của nhân dân, theo tinh thần Chỉ thị số 24/CT/TW ngày 4-7-2008 của Ban Bí thư về phát triển nền Đông y Việt Nam trong tình hình mới.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *