Nghiên cứu cây đỏ ngọn – một loại cây mọc hoang, các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Sinh – y – dược học (Học viện Quân y) đã tìm thấy các hoạt chất có thể chống bệnh xơ vữa động mạch.
Thảo dược quý từ cây mọc hoang
Cây đỏ ngọn có tên khoa học là Cratoxylon Prunifolium Kurtz, xuất hiện nhiều vùng nhiệt đới và ôn đới.
Trên lãnh thổ Việt Nam, cây mọc tự nhiên ở vùng núi thấp hoặc trung du như Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang. Người dân còn gọi là cây ngành ngạnh, vàng la, cúc lương, hoàng ngưu trà… Dân gian thường dùng cây đỏ ngọn làm thuốc bổ, kích thích tiêu hoá, phục hồi sức khoẻ khi đau yếu hay sau khi sinh.
Trên cơ sở này, từ năm 2007 – 2009, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Sinh – y – dược học (Học viện Quân y) đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học và một số tác dụng sinh học của lá cây đỏ ngọn”. Đi sâu nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện trong cây đỏ ngọn chứa nhóm chất flavonoid, a-xít hữu cơ, saponin, tanin…, có khả năng thúc đẩy, bổ trợ hệ thần kinh, tăng khả năng hình thành các phản xạ có điều kiện. Đặc biệt, nhóm chất flavonoid còn có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào, ngăn ngừa các nguy cơ xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, tổn thương do bức xạ, thoái hóa gan.
Nói thêm về tác dụng của cây đỏ ngọn, thạc sĩ Nguyễn Văn Long, chủ nhiệm đề tài cho biết, khi tiếp xúc với môi trường độc hại, các gốc tự do (các dạng oxy rất độc hại) trong cơ thể được sinh ra. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như lão hóa sớm, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, xơ cứng khớp, ung thư… Điều đáng mừng là nhóm chất flavonoid chiết xuất từ cây đỏ ngọn có tác dụng triệt tiêu các gốc tự do trong cơ thể, chống oxy hóa, tăng khả năng tuần hoàn máu.
Nghiên cứu bằng phương pháp xét nghiệm đông máu huyết tương còn cho thấy dịch chiết từ lá cây đỏ ngọn có tác dụng kháng đông, ngăn ngừa rối loạn đông máu, lưu thông tuần hoàn.
Nghiên cứu cách trồng để phổ biến
Từ những kết quả nghiên cứu này, nhóm nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Sinh – y – dược học đã bào chế thành loại trà thảo dược. Sản phẩm này đã được Bộ Y tế đánh giá cao và cấp giấy lưu hành.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Long cho biết, kết quả nghiên cứu về tác dụng của cây đỏ ngọn đang được Học viện Quân y lập dự án sản xuất thử nghiệm viên nang cnatoruxin để điều trị chứng thiểu năng tuần hoàn não. Hiện, dự án được trình Bộ Quốc phòng xem xét, phê duyệt.
Để có thể lưu giữ và phát triển giống cây đỏ ngọn, Trung tâm, với sự đầu tư của Sở KH- CN Hà Nội đang thực hiện một dự án xây dựng mô hình nuôi trồng cây đỏ ngọn tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội với tổng vốn trên 300 triệu đồng. Mục tiêu của dự án nhằm nghiên cứu, tạo ra mô hình trồng cây đỏ ngọn để phổ biến cho bà con nông dân.