Cây thuốc là tài nguyên có giá trị to lớn trong việc sử dụng để phòng và chữa bệnh, do đó, thời gian qua thành phố Đà Nẵng đã đề ra nhiều kế hoạch hành động và quy hoạch về phát triển y dược cổ truyền và dược liệu.
Sau khi triển khai thành công đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển”, hiện nay, Sở KH&CN TP Đà Nẵng tiếp tục triển khai “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng một số loài cây thuốc tại thành phố Đà Nẵng” do Trung tâm Công nghệ sinh học chủ trì.
Nghiên cứu của Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, ghi nhận được nguồn cây thuốc ở địa phương khá phong phú và đa dạng về nguồn gen.
Thành phố hiện có trên 250 cơ sở kinh doanh và sử dụng dược liệu theo hệ thống YHCT, 6 quầy thuốc nam theo hệ thống y học dân gian và 3 phòng khám từ thiện, mỗi năm tiêu thụ trên 1.000 tấn, trong đó ước tính có 80% (800 tấn) nhập từ nước ngoài và các tỉnh phía Bắc, chủ yếu sử dụng trong hệ thống bệnh viện, phòng chẩn trị YHCT và 1 nhà máy đông dược; 20% là nguồn cây thuốc nam tại địa phương.
Tổng sản lượng cây thuốc tự nhiên được khai thác trên toàn thành phố ước tính trên 200 tấn/năm, trong đó có 50 tấn do các cơ sở phòng khám nhân đạo khai thác tự tiêu thụ và 150 tấn khai thác bán cho các cơ sở kinh doanh và chẩn trị khác.
Các loài cây thuốc từ tự nhiên rất đa dạng về giá trị sử dụng, công dụng chữa được khoảng 30 nhóm bệnh thường gặp như: xương khớp, đường tiêu hóa, cảm sốt, cảm lạnh, thận và tiết niệu, gan mật, phụ nữ, trẻ em, tim mạch, an thần… Theo nghiên cứu thì đa phần các loài cây thuốc đều là những cây thuốc ngắn ngày, dễ trồng, có khả năng thích nghi cao với hình thức trồng phân tán hay trồng tập trung.
Đà Nẵng có khoảng 25 loài/nhóm loài đang được trồng rải rác ở vườn gia đình hoặc ở vườn các cơ sở chữa bệnh YHCT, ở trạm y tế phường, xã, chỉ mang tính làm mẫu và tự cung tự cấp cho tủ thuốc gia đình, chưa có định hướng sản xuất phát triển hàng hóa dược liệu từ nguồn cây thuốc trồng.
Trước nhu cầu đó, hiện Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở KH&CN đang chủ trì thực hiện nghiên cứu để xây dựng mô hình trồng một số loài cây thuốc, triển khai các công đoạn đầu tiên như: chuẩn bị môi trường đất, nước tưới, nguồn giống…
Theo TS Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN, bên cạnh việc bảo tồn và khai thác bền vững cây thuốc có trong tự nhiên, việc xây dựng mô hình trồng cây thuốc có ý nghĩa rất quan trọng bởi nguồn cây có trong tự nhiên vốn có hạn, muốn đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao phải đưa vào trồng trọt. Cây thuốc trồng không chỉ chủ động cung ứng về khối lượng sử dụng theo yêu cầu, mà còn chủ động cả về chất lượng dược liệu và khả năng tăng năng suất để hạ giá thành.
Sắp đến, Sở KH&CN sẽ phối hợp cùng với Bệnh viện YHCT xuất bản cuốn sách Cây thuốc Đà Nẵng với danh mục cũng như bản đồ phân bố, tính năng công dụng và bài thuốc thường dùng (nếu có) của khoảng 3.000 cây thuốc quan trọng.
Theo DS.CKI Đặng Ngọc Phái, Bệnh viện YHCT, để bảo đảm nguồn dược liệu quý phục vụ kịp thời cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thành phố cần có phương án bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc. Có thể lồng ghép việc bảo tồn cây thuốc trong công tác quản lý bảo vệ nguồn gen thực vật rừng ở 2 khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Bà Nà – Núi Chúa. Nâng cao năng lực quản lý bảo vệ về cây thuốc cho đội ngũ cán bộ kiểm lâm; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn cây thuốc. Thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát triển cây thuốc Đà Nẵng kết hợp bảo tồn nguyên vị và bảo tồn chuyển vị, phát triển trồng thêm một số cây thuốc trong diện bảo tồn, đang có nhu cầu sử dụng cao. Tăng cường công tác quản lý, khai thác cây thuốc mọc tự nhiên.
Chính quyền thành phố cũng cần có những hỗ trợ bằng các chính sách ưu đãi về đất đai đối với tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư nghiên cứu, nhân giống, nuôi trồng dược liệu. Sở KH&CN có thể hỗ trợ bằng nguồn vốn KH&CN ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học về dược liệu vào thực tiễn.
Vườn Dược Liệu Sơn Trà Đà Nẵng chuyên cung cấp các loại trà, thảo dược, dược liệu, mật ong, trầm hương, sâm ngọc linh, sâu cau, sâm bổ chính, tam thất, chè lá dung, sâm xuyên đá… cung cấp các sản phẩm trên toàn quốc, hiện vườn nằm trên bán đảo sơn trà Đà Nẵng và có cửa hàng tại thành phố Hồ Chí Minh.